Như ở loạt bài trước các mẹ đã biết hiện tượng cận thị giả hoàn toàn do việc chế độ sinh hoạt không ổn định khiến mắt con có biểu hiện thị lực kém, mắt mờ và nhiều người lầm tưởng đó là cận thị nhưng điều này đã vô tình khiến “giả” thành “thật” vậy làm sao để tránh tình trạng này. Mời các bạn độc giả cũng đón đọc bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ hơn về “thật” “giả” lẫn lộn
Nhận thấy các dấu hiệu như mắt nhìn mờ, mắt bị nhức mỏi, đeo thử kính cận của người khác thấy rõ mồn một, một số người vội vàng tới tiệm kính thuốc đo độ, cắt kính cận vì chắc mười mươi nghĩ rằng bị cận thị. Thế nhưng, nhiều người “mất tiền mua lo” vì có thể những dấu hiệu trên chỉ là biểu hiện của hiện tượng bị cận thị “giả”
Nghe con trai nói dạo này mắt con nhìn không rõ, nhất là khi xem tivi, đọc sách, đọc chữ viết trên bảng, chị Nguyễn Thị Hiền, ở E3 đường Ngô Quyền, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu liền đưa con tới một tiệm kính thuốc trên đường Bacu để đo mắt. Kết quả, mắt trái cận 1,5 và mắt phải cận 2 đi-ốp. Được các kỹ thuật viên tư vấn nên cắt kính cho con đeo ngay kẻo tăng độ, chị Hiền đã mua cho con chiếc kính cận có giá 1 triệu đồng. Thế nhưng, mấy hôm sau, chị Hiền lại thấy con trai kêu hoa mắt, chóng mặt, mắt nhìn mờ mờ, đi lại có cảm giác mất thăng bằng. Chị Hiền đưa con quay lại tiệm kính thuốc trên thì các kỹ thuật viên nói đó là hiện tượng rất bình thường trong thời gian đầu của người mới đeo kính cận. Nhưng vài ngày sau, các hiện tượng trên vẫn không hề giảm. Lo lắng, chị Hiền đưa con đi khám tại Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh. Sau khi khám và đo mắt, chị Hiền bất ngờ khi biết con mình không bị cận thị. Những biểu hiện lúc đầu chỉ là hiện tượng của cận thị “giả”. Theo bác sĩ, rất may, chị Hiền đưa con đi khám kịp thời, nếu không, đeo kính một thời gian con chị có thể bị cận thị thật.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn Lượng, ở đường Bắc Sơn, phường 11 (TP.Vũng Tàu) thấy thị lực giảm sút, nhìn vào vật gì cũng không rõ ràng, thử đeo kính cận của bạn thấy sáng hẳn, anh Lượng cũng vội đi cắt kính cận. Một thời gian ngắn sau, anh Lượng thấy mỗi khi tháo kính ra, mắt anh nhìn rõ hơn và không bị nhức như lúc đeo kính. Nghi ngờ, anh Lượng đi kiểm tra lại và được bác sĩ kết luận mắt anh không hề bị cận thị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều người đo mắt được kết luận cận thị nhưng khi tới khám tại các bệnh viện mắt lại cho kết quả mắt bình thường. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh cho biết, những trường hợp bị cận thị giả như trên không phải là hiếm gặp, nhất là ở trẻ em, tỷ lệ này khoảng 20%. Như trường hợp con trai chị Hiền, có thể do cháu xem ti vi, chơi game nhiều nên mắt bị mệt mỏi dẫn tới bị cận thị “giả”. Còn ở người lớn, hiện tượng này thường ít xảy ra nhưng khi làm việc nhiều trên máy vi tính, mắt bị mệt mỏi trong một thời gian liên tục cũng dễ xảy ra các hiện tượng rất giống cận thị. Đối với các hiện tượng này, chỉ cần cho mắt thư giãn bằng cách chơi thể thao, ăn uống đầy đủ một thời gian sau sẽ hết. Và điều quan trọng là khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh lý về mắt thì nên tới gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Hoặc nên tới các cửa hàng bán kính thuốc có uy tín, nơi có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo khá cơ bản về nghiệp vụ.
Anh Hồ Vinh, kỹ thuật viên cửa hàng mắt kính Sài Gòn, ở số 55 đường Trần Hưng Đạo, TP.Vũng Tàu cho biết: “Việc phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả không quá khó. Ngoài việc cắt kính theo đơn bác sĩ, thì đối với những khách hàng tới đo mắt, cắt kính, các kỹ thuật viên cần nhỏ thuốc liệt điều tiết. Đây là việc bắt buộc khi đo mắt. Nếu mắt trở lại bình thường thì đây chỉ là cận thị giả, không cần đeo kính”. Nguyên tắc là thế, nhưng một số cửa hàng kính thuốc đã bỏ qua, không thực hiện công đoạn này, nên đo mắt, thấy cận là cho khách hàng cắt kính. Điều này dẫn tới nhiều người đeo kính “oan”, mất một số tiền mua kính.
No comments:
Post a Comment